Lịch sử thời trang nước Pháp

Pháp là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực cắt may thời trang bởi xuất xứ của thời trang từ một người thợ may phát triển. Nghề dạy cắt may từ đó cũng được phát triển kéo theo sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp thời trang.

 Mặc dù thế giới thời trang không ngừng phát triển và lan tỏa, Paris, thủ đô nước Pháp, vẫn giữ được vị trí thống lĩnh truyền thống của mình. Nhiều nhà thiết kế vẫn cảm thấy rằng thành công ở Paris là chuẩn mực để phấn đấu. Lý do để lý giải cho điều này có nguồn gốc từ thế kỷ 19, vào năm 1858, khi Charles Frederick Worth, được xem là nhà tạo mốt Haute Couture (thời trang thủ công cao cấp) đầu tiên, sáng lập ra nhà mốt ở Paris – lúc đó là thủ đô văn hóa và nghệ thuật của Châu Âu, nếu không nói là của thế giới. Do các bộ trang phục của Ông, thường được các quý bà nổi tiếng như Nữ Hoàng Victoria hay Eugénie mặc, trở nên quá phổ biến đến mức tạo ra làn sóng làm hàng giả. Để bảo vệ cho sự sáng tạo của mình, ông đã thành lập Hiệp Hội Các nhà tạo mẫu Paris vào năm 1868.
 Charles Frederick Worth
Khu công nghiệp dệt của Pháp đặt tại Midi-Pyrenees, chuyên sản xuất hàng len dạ, và khu xung quanh Lyons, kể từ khi phát minh ra khung dệt vải hoa đã sản xuất một số các mặt hàng lụa đẹp và đắt tiền nhất cùng với các chất liệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Ngành dệt nhìn chung xuống dốc, ngoại trừ các loại vải và sợi công nghệ cao. Sản xuất quần áo của Pháp tuột dốc thê thảm trong mười năm qua, đặc biệt com lê nam và hàng may sẵn cho nữ (giảm 85%), bây giờ phần lớn được sản xuất tại Tunisia, Morocco, Đông Dương, những đất nước có mối liên hệ mật thiết về lịch sử và truyền thống với Pháp. Hàng may sẵn cao cấp và hàng đan tay của Pháp được sản xuất tại Ý và Trung quốc bởi vì chất lượng sản xuất tốt hơn ở Pháp. Thị trường bán lẻ  tràn ngập các chuỗi cửa hàng thời trang chuyên nghiệp, còn số lượng các cửa hàng thời trang cao cấp độc lập giảm gần 19 % trong vòng 12 năm. Mặt khác, đặt hàng qua mạng và thương mại điện tử đại diện cho một bộ phận đang phát triển đến 8% thị trường hàng may mặc. Các chuỗi cửa hàng nước ngoài như Zara và H&M chiếm lĩnh gần 12% thị phần bán lẻ tại Pháp. Người Pháp chậm chạp trong việc tiếp thị xuất khẩu hàng may sẵn và các chủng loại hàng cao cấp, tuy nhiên mới đây đã xuất được một số nhãn hiệu ra thị trường nước ngoài như Morgan và Kookai.

Phong cách Pháp

Phong cách Pháp có đặc điểm về hình khối rõ ràng nhưng phức tạp về các đường cắt; ôm sát các đường cong cơ thể với một vẻ tròn trịa nhất định. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến dạy cắt may để chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này .Các phương pháp may cổ điển sử dụng cấu trúc bên trong và lớp lót vẫn được ưa chuộng. Cách hoàn tất kỹ lưỡng và các công đoạn thủ công như khuy thùa và đường viền vỏ sò ở gấu rất hay bắt gặp ở các thiết kế kiểu Pháp. Các nhà thiết kế có khuynh hướng sử dụng các loại vải may com lê mỏng hoặc các loại vải tạo một vẻ hoàn tất có nếp mới cứng. Hàng thêu, hàng ren và các loại hạt bẹt xưa nay đã là nét đặc trưng của các bộ sưu tập hàng thủ công cao cấp Haute Couture.

Chính phủ Pháp luôn luôn ủng hộ hết mình cho nền công nghiệp may mặc, những hãng thiết kế thời trang Pháp và ngành công nghiệp phụ trợ hoạt động hợp tác lẫn nhau và luôn sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm. TV thuộc quyền sở hữu của chính phủ và tạo điều kiện miễn phí cho ngành thời trang Pháp để quảng bá hàng nội địa và xuất khẩu. Chính phủ cũng bao cấp các nhà thiết kế thời trang Haute Couture với điều kiện họ phải sử dụng nhiều hơn 90% nguyên liệu vải của Pháp trong bộ sưu tập của họ. Bởi vì khá dễ dàng để các nhà thiết kế đạt được tham vọng sáng tạo của mình tại Paris, thành phố này đã trở thành trung tâm quốc tế cho ngành thời trang. Nhiều nhà thiết kế đến từ Anh, Nhật và Châu Âu đều trưng bày sản phẩm ở đó và đều chuyển văn phòng thời trang chính và phòng trưng bày của họ về Paris. Vào năm 1989, chính quyền Pháp cung cấp 7 triệu Francs để xây dựng trung tâm trưng bày các bộ sưu tập thời trang ở Louvre, bao gồm 4 hội trường và chỗ ngồi cho 4.000 người.

Thời trang cao cấp Haute Couture

Thời trang thủ công cao cấp Haute Couture xếp hàng đầu trên thị trường với giá cao nhất. Nó được xây dựng trên uy tín và sự thành công của hàng may đo, may tay, hàng độc được bán cho giới thượng lưu và giao thiệp rộng. Những nhà mốt danh tiếng vẫn còn hoạt động cho đến nay gồm Balentino, Versace, Chanel, Dior, Lacroix, Givenchy, Balmain. Balenciaga, Lavin và Yves Saint-Laurent.

Thoạt đầu, các thiết kế thủ công cao cấp Haute Couture phát triển chậm, do bản chất là kiểu thời trang tập trung vào ý muốn của khách hàng. Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng “Dáng vẻ mới” do Christian Dior phát động vào năm 1947, các bộ sưu tập được thực hiện mà không cần chú ý đến ước muốn cá nhân, mà thay vào đó là đi theo tầm nhìn của nhà thiết kế. Sau đó, trong suốt những năm 60, một số nhà thiết kế như Perrre Cardin, Andre Courreges và Paco Rabanne tiên phong đưa ra ý tưởng Haute Couture như một kiểu thời trang nghệ thuật thử nghiệm. Do giá cao ngất trời, kiểu thời trang Haute Couture dần dần đánh mất vị trí của mình cho một số nhà thiết kế cao cấp như Mary Quant, hoặc các nhà thiết kế của Mỹ như Fudi Gernreich và Ralph Lauren.

Ngày nay, thời trang thủ công cao cấp Haute Couture không còn là mặt hàng phù hợp cho tất cả các lối sống, và cũng không còn sinh lợi nhiều như trước đây nữa. Giá cả là rào cản và ước tính lượng khách hàng mục tiêu chỉ khoảng 2.000 phụ nữ, phần lớn là phụ nữ Mỹ giàu có và đứng tuổi. Nhiều nhà thiết kế Haute Couture trở thành một bộ phận của các tập đoàn hùng mạnh vững vàng như LVMH (Louis Vuitton, Moet Hennessy). Những nhãn hiệu xa xỉ này đã đổi chủ nhiều lần để đổi lấy những số tiền khổng lồ, thường là không tiết lộ ra cho công chúng, nhưng trong những năm gần đây thường xảy ra và đã có những cuộc tranh dành quyền mua lại và những cuộc tố tụng. Các bộ sưu tập được sử dụng như những mẫu quảng cáo hấp dẫn cho các sản phẩm khác do các tập đoàn thời trang làm chủ bao gồm cả mỹ phẩm, nước hoa và phụ trang. Những cuộc tranh luận không ngớt về khả năng tồn tại của thời trang Haute Couture: Năm 1991, Pierre Berge, Giám đốc Điều hành Yves Saint Laurent, đã công bố rằng thời trang Haute Couture sẽ chết trong 10 năm nữa.

Thời trang Haute Couture có vẻ yếu đi, nhưng trong những năm gần đây, các nhà mốt lớn đã thu hút những nhà thiết kế trẻ có “cá tính” để tân trang lại hình ảnh của họ. Sự phát triển của các giòng sản phẩm bán Couture và hàng độc như Versus (Versace), Miu Miu (Prada) và YSL Rive Gauche đã cải thiện khả năng hoàn vốn đầu tư hơn trước. Các bộ sưu tập thời trang Haute Couture được trưng bày tại Paris ngay sau triển lãm thời trang may sẵn cũng trong cùng một mùa. Chỉ khách mời mới được đến xem. Do hàng được sản xuất cho một số ít khách hàng đặc biệt nên không cần phải tuân thủ khung thời gian và mùa giao hàng như thời trang may sẵn Ready-to-wear hay các dòng sản phẩm đại chúng khác. Trang phục Haute-Couture luôn được thực hiện trong nhà, tại các xưởng thiết kế, phần vì cần phải thử vào người, phần vì để giữ bí mật mẫu thiết kế.

Người Pháp và những cống hiến thời trang Thời trang thích sự đổi thay còn người Pháp lại tiên phong cho những đổi thay đó.

Không phải ngẫu nhiên Paris được trao tặng tước hiệu kinh đô thời trang thế giới. Quá khứ là lịch sử. Và lịch sử đã ghi dấu thủ đô hoa lệ này như cuốn biên niên sử của làng thời trang thế giới. Những tâm hồn Pháp tinh tế nhưng táo bạo và đầy cách tân đã hội ngộ tại chốn này để sản sinh ra nền công nghiệp thời trang rực rỡ và thăng hoa như ngày nay.

Paul Poiret – người mở cánh cửa thời trang hiện đại

Sống trong thời đại của những bộ váy cầu kì, rườm rà nhưng người đàn ông lịch lãm gốc Paris này lại được nhắc đến như một người tiên phong cho thời trang hiện đại. Tình yêu mãnh liệt với thời trang cùng những trải nghiệm khi là nhà thiết kế chính cho các ông chủ may haute couture danh tiếng Doucet và Worth cùng những suy nghĩ táo bạo, đổi mới khi trong quân ngũ đã khiến Paul Poiret trở thành cái tên không thể không nhắc đến trong lịch sử thời trang. Khi cả châu Âu đang chìm ngập trong những chiếc váy gò bó, rườm rà thì Paul Poiret đã mang đến cho thời trang một hơi thở mới, hơi thở của thời đại, của những cách tân táo bạo, của khát vọng giải phóng người phụ nữ khỏi sự gò bó của trang phục truyền thống. Với người đàn ông Pháp này, giá trị của sự tinh tế, của thời trang đích thực không phải là những bộ váy cầu kì đến ngoa ngoắt, không phải là những chiếc mũ rộng vành chỉ dành riêng cho các quý bà sang trọng mà nó phải lấy cảm hứng từ cộng đồng, từ số đông. Ông đã mở ra một thế giới mới của thời trang với tuyên bố giải phóng người phụ nữ khỏi “chế độ chuyên chế của chiếc corset”. Phá bỏ đường cắt hình chữ S thắt bó ở eo cùng những quan điểm cứng nhắc trong thiết kế trang phục, đưa eo lên cao hơn, thiết kế đơn giản và gần gũi để lột tả cái đẹp tự nhiên, mềm mại, duyên dáng trên cơ thể người phụ nữ đã đưa ông lên hàng những nhà thiết kế đáng kính của thời trang thế giới.




Chanel – người phụ nữ táo bạo của thời trang

Trong thế giới thời trang, chẳng ai là không biết đến cái tên Chanel huyền thoại, đến những cuộc cách tân táo bạo, kinh điển và nổi loạn của bà. Nhắc đến bà là nhắc đến hình ảnh một người phụ nữ Pháp tài sắc với những đóng góp không mệt mỏi cho thời trang thế giới. Từ mái tóc ngắn khoẻ khoắn, trẻ trung đến những chiếc mũ đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp kiêu sa, sang trọng của những năm 1910 cho đến những bộ trang phục tân tiến, hiện đại, người đàn bà đẹp này đã mở ra một kỉ nguyên mới, hiện đại và nổi loạn cho thời trang.



Với người phụ nữ tài năng và phóng khoáng này, tham vọng mang tự do đến người phụ nữ đã được thực hiện hoá qua các trang phục do bà thiết kế. Có lẽ thế giới thời trang vẫn chưa quên cảm giác ngỡ ngàng đến kinh ngạc khi chiếc áo len cổ chui màu đen cùng mười chuỗi vòng ngọc trai cuốn quanh cổ mà Chanel đã mang đến cho thời trang. Giật mình khi “chiếc váy đen bé nhỏ” được cắt ngắn và đường eo hạ thấp tung hoành vào những năm 1920 như một minh chứng cho cái nhìn hiện đại của bà. Sửng sốt trước những trang phục bằng chất liệu len mới lạ ôm sát cơ thể người phụ nữ với những tràng hạt ngọc trai  thay cho những chiếc váy dài rườm rà, gò bó. Choáng váng với những chiếc áo vest đơn giản có những đường cắt nam tính… Đó là sự sáng tạo và những cách tân độc nhất vô nhị mà chỉ huyền thoại này mới dám làm, dám đương đầu. Nhưng sẽ rất thiếu sót khi nhắc đến bà mà không nói đến loại nước hoa huyền thoại sống mãi với thời gian, Chanel No5. Không giống như những loại nước hoa thời đó, Chanel No5 là cả một kho tàng tri thức và tài năng của người đàn bà đẹp này từ hương vị cho đến thiết kế bên ngoài.

Christian Dior – người tái sinh cơ thể phụ nữ

Sẽ không ngoa khi nói người đàn ông Pháp này đã mang đến thời trang thế giới những diện mạo mới, táo bạo và hiện đại. Cùng với người đàn bà huyền thoại Coco Chanel, hai nhà thiết kế người Pháp này đã khiến cả thế giới thời trang điên đảo, ngỡ ngàng trước những sáng tạo mang hơi thở thời đại. Say mê thời trang nhưng cái tên Dior chỉ thật sự bước vào lịch sử thời trang vào năm 1947 khi ông cho ra đời bộ sưu tập mang âm hưởng hiện đại Corolle và Huit hay còn gọi là New Look. Với bộ sưu tập này, Dior đã tái sinh hình ảnh người phụ nữ đang chìm ngập trong trang phục truyền thống thành những cô gái hiện đại, quyến rũ, yêu kiều và gợi cảm bước ra từ những chiếc váy ngắn hở cổ táo bạo, vai bồng, phần eo thu nhỏ, ngực đẩy cao tròn trịa. Sự táo bạo có phần điên rồ này đã đưa Dior thành cái tên tiếng tăm trên toàn thế giới. Không dừng lại ở đó, người đàn ông Pháp nhiều tham vọng và sáng tạo này lại tiếp tục khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ theo phong cách hoàn toàn mới vào năm 1954 khi ông cho ra đời bộ sưu tập Ligne H. Những chiếc áo thẳng buông xuôi, không thắt eo, vô cùng thoải mái và phóng khoáng đã đưa người phụ nữ một lần lữa được tái sinh dưới đôi bàn tay tài ba của Dior.



Hơn một thập kỉ cống hiến cho thời trang nhưng những đóng góp của Dior là điều không thể chối bỏ. Những Zigzag tôn vinh vẻ đẹp của áo khoét sâu táo bạo, những chiếc váy Vertical giúp đẩy bộ ngực cao hơn và khoe cặp chân dài… Đó là những gì mà Dior đã làm được và nó là những giá trị vĩnh cửu của thời trang.

Yves Saint Laurent – người mang nghệ thuật đến thời trang

Là hiện thân của nổi loạn và truyền thống, tự do và khuôn khổ, Yves Saint Laurent là một huyền thoại, một ông hoàng bất tử của thời trang thế giới. Người đàn ông Pháp nhút nhát luôn xuất hiện trong bộ vest giản dị và cặp kính đen gọng to này đã mang đến cho lịch sử thời trang những trải nghiệm và những giây phút thăng hoa suốt những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21. Thật không ngoa khi nói nếu ông hoàng thiết kế này không xuất hiện thì thời trang thế giới sẽ không biết đi về đâu. Cuộc đời của ông là một chuỗi ngày miệt mài với những sáng tạo kinh điển cho phái đẹp. Trở thành nhà thiết kế chính cho Dior sau cái chết đột ngột của ông vua thiết kế Christian Dior nhưng người đàn ông thiên tài này thật sự mang đến cho thời trang những âm hưởng mới lạ bắt đầu vào những năm 60-70. Đây là thời kì hoàn kim của đế chế Yves Saint Laurent, thời kì mà cả thế giới không ngừng hướng cặp mắt sành sỏi về kinh đô thời trang Paris để theo dõi những sáng tạo kinh điển mang tính thời đại của ông. Những cống hiến của người đàn ông Pháp gốc Algerie này chắc chắn sẽ còn được nhắc đến mãi mãi sau này. Bởi chính ông là người mang đến cho một nửa thế giới biết đến cái đẹp đầy tự tin và quyến rũ. Không có ông, phụ nữ sẽ không bao giờ biết đến những bộ tuxedo smoking quyến rũ đến kiêu sa. Những chiếc áo vest nữ tính lấy cảm hứng từ trang phục nam, những chiếc áo choàng sành điệu ra đời từ những chiếc áo khoác thuỷ thủ, những chiếc quần âu hiện đại, những trang phục nổi loạn mang hơi hướng hippi… và còn rất nhiều rất nhiều những trang phục đang có trong tủ quần áo của người phụ nữ hiện đại thời nay là những sáng tạo vượt thời đại của ông hoàng thời trang này. Không có ông thế giới còn lâu mới được hưởng cuộc cách mạng dân chủ hoá thời trang, để những trang phục của những ngôi nhà thời trang hàng đầu được bán với giá bình dân. Không có ông thời trang cao cấp sẽ tiếp tục bị lún sâu vào thời kì khủng hoảng… Đó là những cống hiến của ông cho thời trang nhưng vượt lên trên hết, ở người đàn ông đáng kính này là sự sáng tạo, là cái nhìn xuyên suốt mọi thời đại.



Pierre Cardin – người đưa thời trang cao cấp đến quần chúng

Không xuất chúng như Yves Saint Laurent, không táo bạo như Christian Dior, không nổi loạn như Chanel nhưng trong thế giới thời trang Pierre Cardin là cái tên Pháp không thể không nhắc đến. Khởi nghiệp năm 1945 tại nhà mốt Paquin sau đó là Christian Dior cùng Yves Saint Laurent, dấu ấn mà nhà thiết kế có bộ óc kinh doanh đẳng cấp này để lại là “chiếc váy hình quả bóng” do ông thiết kế năm 1954. Cũng từ đây, giấc mơ quần chúng hoá thời trang đã bắt đầu nhen nhóm trong suy nghĩ của người đàn ông vĩ đại này. Mở cửa hàng EVA rồi ADAM, Pierre Cardin dần chuẩn bị cho mình những lực đẩy thiết yếu cho cuộc cách mạng quần chúng hoá thời trang. Công khai bán trang phục của nhãn hiệu mình cho hệ thống các cửa hàng, siêu thị vào năm 1957 là một dấu mốc đáng để nhắc đến trong thế giới thời trang. Hành trình dân chủ hoá thời trang bắt đầu từ đây. Thời trang lúc này không chỉ dành cho giới thượng lưu, những người giàu có mà thời trang là của tất cả mọi người, của quần chúng. Nhưng giấc mơ thời trang của Pierre Cardin không chỉ có vậy, với ông thời trang còn để làm đẹp cho phái mạnh. Và niềm đam mê đó đã đưa thời trang nam giới của nhãn hiệu Pierre Cardin lên ngôi. Những chiếc áo vest không cổ cài khuy đơn giản kết hợp quần côn bó đã gây lên cơn sốt vào những năm 1960. Tài năng thiết kế và bộ óc kinh doanh thiên bẩm, Pierre Cardin đã đưa nhãn hiệu của mình thăng hoa khắp năm châu.



Share this Cars :

0 comments:

 
Copyright © 2013. Thời trang và cuộc sống | quần áo trẻ em cực đẹp tại shop Conlaso1
Author : Tony Trieu