Người làm sống lại nghề may comple

Trong các dịp huyện Phú Xuyên- Tp Hà Nội tổ chức lễ hội tôn vinh các làng nghề truyền thống, lần nào đại gia đình ông Nguyễn Văn Hoà- thôn Từ Thuận, xã Vân Từ - cũng được giành riêng cả 2 gian để trưng bày sản phẩm may đo Comple- veston cao cấp.


Người làm sống lại và phát triển làng nghề may comple truyền thống Thôn Từ Thuận.

Ông hoà chính là nghệ nhân có đôi bàn tay vàng với 75 tuổi đời và hơn 60 năm tay kéo. Điều quan trọng hơn cả là để có một làng nghề may Comple- veston sầm uất giầu có như hôm nay có sự đóng góp công lao to lớn và nhiệt huyết với nghề truyền thống của ông Nguyễn Văn Hoà. Nhìn những bộ Comple lịch lãm, hiện đại, sang trọng với đường kim mũi chỉ nuột nà, khéo léo, cầu kỳ mới thấy hết đôi bàn tay tài hoa, đầu óc sáng tạo của ông Hoà và các con giành cho cái nghề cứ tưởng như đã bị mai một, nay đã được ông làm sống lại mang khang trang thịnh vượng đến muôn nhà trong xã Vân Từ, nhất là thôn Từ Thuận. 

… Ông kể lại rằng:

Những năm 30 của thế kỉ trước, làng Từ Thuận xã Vân Từ đã có vài chục thợ may comple. Khi đó nghề chỉ phục vụ một số quan chức và các gia đình giầu có. Sau khi đất nước giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp, các thợ giỏi của làng đều ra Hà Nội lập nghiệp. Có những cửa hiệu có uy tín lớn như: Toàn Thuận Anh, Toàn Thuận Em (ở phố Hàng Gai) và Thuận Thịnh ở phố Hàng Hòm. Nghề may comple ở thôn Từ Thuận bị chững lại, gần như mai một. Không để nghề của quê hương bị mất đi, năm 14 tuổi, ông Hoà ra Hà Nội xin học nghề may ở cửa hiệu may- số nhà 73 Hàng Gai của ông chủ Toàn Thuận. Ngày đó để học thành nghề thật lắm gian nan. Bởi hàng may mặc những khâu quan trọng nhất đòi hỏi kĩ thuật đều phải làm bằng tay, chưa có máy móc hỗ trợ. Bàn Là phải dùng Bàn Là than, nên phải rất thận trọng. Với quyết tâm học nghề ông Hoà tự nguyện làm tất cả việc nhà đỡ ông chủ, để ông chủ có nhiều thời gian dạy nghề cho mình. Thấy ông Hoà vừa yêu nghề, vừa ngoan ngoãn chăm chỉ, ông chủ Toàn Thuận đã tận tình truyền dạy nghề cho cậu học trò yêu. Từ một thợ phụ, chỉ ba năm sau ông Hoà đã thành thợ giỏi và làm thành thạo các hàng may cao cấp như Comple, Bludong, Mangtoxan. Đường kim mũi chỉ của ông luôn được khách hàng ưa chuộng. Và ông đã được tuyển vào làm ở Hợp tác xã may mặc Dân chủ phố Hàng Gai. Đó là một hợp tác xã may đo cao cấp có uy tín ở Hà Nội với biệt hiệu “Vua Bludong – Mangtoxan” . Vì chỉ có ở đó mới may đo được những chiếc Bludông làm vừa lòng các bậc đại gia và quan chức cao cấp.

27 năm làm thợ giỏi ở đất Kinh kỳ, ông luôn day dứt không nguôi bởi nghề may là nghề truyền thống của quê ông đã có từ lâu. “ Ruộng đầy bề không bằng nghề trong tay”, “ Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”… Lời dạy của các bậc tiền nhân luôn day dứt ông Hoà. Ông tự đặt ra câu hỏi: Tại sao không làm sống lại nghề ở quê mà phải tay kéo, tay thước đi khắp các miền để mưu sinh. Trong khi đó cuộc sống ở vùng quê thuần nông còn rất nghèo nàn, rất cần có nghề để nâng cao mức sống…

Năm 1988 ông quyết định về quê, tập trung tất cả con cháu, anh em, vừa học, vừa làm hàng xuất khẩu sang Đông Âu (chủ yếu là thị trường Nga). Sản phẩm may của ông đã được bạn bè quốc tế rất ưu chuộng. Bởi nó vừa lịch lãm, sang trọng của kiểu comple truyền thống, vừa có nét cách phá của hiện đại nhưng ông Hoà vẫn day dứt vì nghề may chỉ bó hẹp trong dòng họ chưa phát triển ra ngoài. Ông Hoà mạnh dạn bắt tay vào mở rộng nghề may quyết tâm khôi phục và xây dựng làng nghề. Bước đầu ông gặp nhiều khó khăn. Số anh em trong làng biết nghề lại bỏ đi làm nghề khác. Công cụ sản xuất còn thiếu rất nhiều. Ban đầu ông Hoà chỉ vận động được bốn, năm người đến tại nhà ông để học. Đó là những bộ đội đã xuất ngũ chưa có công ăn việc làm. Họ học và làm tại nhà ông mức lương chỉ 150.000đ một tháng. Hàng may của ông bắt đầu có uy tín. Ông nhận may đo hợp đồng cho vài cửa hiệu ở Hà Nội.

Năm 1991, công việc ngày càng nhiều cần nhiều lao động. Ông Hoà tích cực vận động và được nhiều nhân dân trong làng hưởng ứng. Rất nhiều người đến nhà ông Hoà xin học nghề. Nhà xưởng không có, thầy dạy chỉ có mình ông. Ông đã vận động một số ông bạn trong làng làm ở các xí nghiệp may ở Hà Nội đã nghỉ hưu, hợp tác cùng ông mở lớp dạy may comple. Ông đã đề nghị nguyện vọng khôi phục làng nghề với UBND xã Vân Từ.

Khi cuộc sống và nhu cầu ăn mặc của người Việt Nam có su hướng thiên về lối ăn mặc lịch sự khi giao tiếp và nhu cầu đồ công sở tăng lên, ông bắt đầu có hướng sẽ phát triển may comple phục vụ trong nước.

Năm 1992, được UBND, Đảng uỷ xã Vân Từ quan tâm và mấy bậc cao niên như Ông Dự, Ông Lai cùng Ông Hoà hợp sức, hai lớp dạy may comple cho tuổi trẻ Vân Từ được thành lập. Từ hai lớp học ban đầu với gần 70 học viên đó, bao nhiêu thế hệ thợ trẻ tài hoa của Vân Từ đã ra đời. Ban đầu ông Hoà nhận cung cấp hàng cho họ sản xuất. Sau đó bằng sự xông xáo của lớp trẻ, họ tự đi tìm thị trường và chỗ đứng cho mình. Và nghề may truyền thống của Vân Từ phát triển mạnh trong toàn xã. Được tiếp thu cái tinh sảo, tài hoa của các bậc Cao niên, lớp thợ trẻ Vân Từ phát huy sự thông minh, sáng tạo, năng động của tuổi trẻ. Hàng comple Vân Từ đã làm vừa lòng cả những vị khách khó tính nhất. Những người thợ trẻ ở Vân Từ còn sáng tạo may cả các kiểu quần áo công sở cho từng ngành. Hàng comple Vân Từ đã có thương hiệu và được khách hàng trong nước biết đến. Và một vinh dự lớn đã đến với những người thợ tài hoa của xã Vân Từ: Năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã chính thức có quyết định công nhận làng nghề may Vân Từ là làng nghề truyền thống. Cùng với sự tôn vinh của làng nghề, ông Hoà đã được UBND huyện Phú Xuyên tặng giấy khen là người có công 10 năm liền phát triển ngành nghề của xã. Hiện nay nghề may comple ở Vân Từ được áp dụng kỹ thuật may đo tiên tiến, có điện khí hoá hỗ trợ và có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nên lớp trẻ Vân Từ giàu lên nhanh chóng. Đa số ông chủ còn rất trẻ, tuổi đời từ 25 - 45 tuổi. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời. Nghề may comple thực sự mang lại nguồn thu nhập chính cho 100% các hộ làm nghề trong xã. Một thợ chính có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng một tháng. Thợ phụ cũng có thu nhập từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Nhịp sống làng nghề lúc nào cũng hối hả, lôi cuốn mọi tầng lớp tham gia - nhất là lớp trẻ. Vì thế, tuổi trẻ Vân Từ không xa vào tệ nạn xã hội. Các ông chủ trẻ đua nhau làm giàu chính đáng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Những doanh nghiệp của đại gia đình ông luôn mở lớp nâng cao tay nghề cho thợ.

Bây giờ đến Vân Từ, du khách như được đến một khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên san sát, những thương hiệu được quảng bá trên mỗi ngôi nhà với đủ mâu sắc rực rỡ, sang trọng của mặt hàng comple thời hiện đại với lối cách tân quý phái.

Ông Hoà giành tất cả tâm huyết cho nghề và truyền dạy tận tâm cho các con phải giữ được tinh hoa của nghề truyền thống. Ông luôn dạy các con phải đặt chữ Tâm, chữ Tín lên hàng đầu. Nên những người con của ông Hoà đều rất thành đạt, có thương hiệu và đứng vững trên thị trường may mặc Miền Bắc. Ba người con trai là Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Văn Trường, đều có cửa hàng quảng bá và tiêu thụ sản phẩm ở hầu hết các tỉnh phía bắc như: tỉnh Hoà Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình... Hiện nay các con ông đang mở rộng thị trường vào Nam và muốn quảng bá trên một số nước Châu Á, Châu Âu. Hai con gái của ông cũng đều có cửa hiệu lớn: chị Nguyễn Thị Hợp có công ty may Hợp Doanh tại làng nghề Từ Thuận, chị Nguyễn Thị Loan có cửa hiệu lớn tại phố Bạch Mai chuyên may đo hàng tơ tằm xuất khẩu sang Pháp, Thái Lan. Còn tại làng nghề Vân Từ, con, cháu của ông Hoà cũng có năm cửa hiệu may có uy tín lớn như: Đức Thuận, Phúc Thuận, Trường Thuận, Thuận Thành, Hợp Doanh. Các con ông trực tiếp may đo, ký hợp đồng với các cơ quan. Hàng của các anh luôn được khách hàng ưa chuộng. Các anh luôn coi ông Hoà vừa là cha, vừa là người Thầy chuẩn mực. Có những thiết kế mới, các anh đều về gặp bố để tư vấn và bổ túc thêm. Vì thế uy tín chất lượng hàng may comple của đại gia đình ông Hoà được khắp nơi ưa chuộng. Ngoài kiểu dáng hiện đại, hàng may của gia đình ông luôn giữ được vẻ lịch lãm truyền thống- đặc trưng của hàng comple, đặc biệt vẫn có nét đẹp rất riêng mà chỉ ở cơ sở may gia đình ông mới thấy.

Ông Hoà không chỉ có tâm huyết với làng nghề truyền thống Vân Từ. Ông còn mong ước nghề may comple sẽ phát triển rộng sang địa bàn khác, tạo công ăn việc làm, tăng mức thu nhập cho người dân. Là một cựu chiến binh có tâm huyết với đồng đội, năm 2004, ông đã đến xã Minh Đức huyện Ứng Hoà mở lớp dạy comple cho con em của các Cựu chiến binh trong xã. Việc làm của ông đã được cán bộ và nhân dân xã Minh Đức đồng tình ủng hộ. Hiện nay, xã Minh Đức đã xuất hiện nhiều thợ may giỏi, có thể dựng được những bộ veston đẹp như làng nghề Vân Từ.

Ông Hoà tâm sự:

“Các cụ dạy “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, chẳng sai chút nào. Tôi đã theo đuổi nghề gần cả cuộc đời mà vẫn còn thấy mình chưa tìm thấy hết cái đẹp của nghề mình theo đuổi. Càng làm càng phát hiện ra những nét tinh xảo rất riêng của loại hình may đo cao cấp này. Tôi chỉ mong con cháu và những người thợ may Vân Từ hãy toàn tâm, toàn ý giữ gìn và đưa nghề may comple phát triển cùng thời đại, luôn giữ được cốt cách phong độ, chất lượng phải đưa lên hàng đầu và đưa Vân Từ thành làng nghề giàu có và hưng thịnh hơn. Tôi rất mong nghề may comple sẽ phát triển rộng sang nhiều miền quê khác.”

Suy nghĩ của ông Hoà chính là lời nhắc nhở lớp trẻ Vân Từ hãy giữ vững và phát triển nghề truyền thống– cái nghề đã đem lại sự thanh cao, lịch lãm cho người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam , bạn bè quốc tế nói chung.

Mùa xuân, mùa lễ hội, mùa cưới là những lúc các bộ comple của làng nghề Vân Từ được trưng diện trên khắp phố phường, trên mọi nẻo đường, trên các cơ quan, công sở… Người dân Vân Từ với đôi tay tài hoa của mình đã tô thêm vẻ thanh lịch của người Hà Nội, làm hạnh phúc thêm cho các lứa đôi trong mùa chim làm tổ. Và ông Hoà tự hào là người đã góp công sức làm sống lại nghề may comple truyền thống để xã Vân Từ hôm nay có làng nghề cả nước và thế giới biết tên.

Share this Cars :

0 comments:

 
Copyright © 2013. Thời trang và cuộc sống | quần áo trẻ em cực đẹp tại shop Conlaso1
Author : Tony Trieu