Vị giám đốc ấy là ông Lê Trung Thực, hiện đang sinh sống ở xóm Trần Phú, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hơn mấy chục năm qua, ông vẫn cần mẫn chăm sóc những đứa trẻ không phải là con ruột của mình mà chẳng đòi hỏi một đồng tiền trợ cấp.
Vị giám đốc ấy là ông Lê Trung Thực, hiện đang sinh sống ở xóm Trần Phú, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hơn mấy chục năm qua, ông vẫn cần mẫn chăm sóc những đứa trẻ không phải là con ruột của mình mà chẳng đòi hỏi một đồng tiền trợ cấp. Mọi người vẫn thường gọi vui ông Lê trung Thực là giám đốc không lương.
Lê Trung Thực sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Ông bắt đầu làm bố của những đứa trẻ mồ côi từ năm 1993. Sau những ngày tháng mưu sinh vất vả, theo con đường nghệ thuật nhưng không thành công, ông chuyển nghề sang học cắt may. Khi đã thành thạo từ nghề đó, ông từ tỉnh Phú Thọ vào thành phố Vinh, Nghệ An để dạy may cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông làm giáo viên cho Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề thành phố. Tại đây, dưới sự dạy dỗ của ông và các thầy cô giáo trong trường, các em đã trở thành những thợ may lành nghề và được nhiều người chọn lựa. Năm 1997, có 20 em học sinh là con em đối tượng chính sách, trẻ tàn tật ở huyện Đô Lương đến đây để đăng ký học, nhưng vì trung tâm quá tải nên không đủ lớp để các em theo học.
Ngoài việc chăm sóc các con, ông còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.
Bất lực nhìn sự thất vọng của các em ra về, lòng ông không khỏi trăn trở. Từ đó, ông quyết định theo chân các em về Đô Lương (Nghệ An) để mượn nhà, mua máy khâu, tiếp tục dạy cắt may cơ bản , gieo niềm hy vọng và ước mơ cho 20 cháu mồ côi, tàn tật. Lúc ấy ông không có lương, mọi sinh hoạt và chi tiêu đều một mình gồng gánh. Thế mà ông vẫn tiếp tục dạy tình nguyện, không lấy bất cứ một đồng nào từ các em. Có những lúc ông ngồi lặng lẽ thở dài vì nghĩ rằng không thể tiếp tục nuôi các cháu được nữa. Tại trung tâm, có những trẻ em bị tật nguyền với những hình hài không trọn vẹn. Hầu hết, các em ở đây đều thiếu nguồn sữa mẹ, bởi vậy, các em ốm đau luôn. Tiền ăn không có, thường xuyên phải thêm thuốc để chữa bệnh, đã có những lúc ông tưởng chừng như bế tắc. Rồi từ lúc nào, ông đã trở thành một người bố đảm đang, thức khuya dậy sớm, 3 giờ sáng, trời lạnh cắt da cắt thịt, khi màn đêm vẫn còn bao trùm lên không gian, ông đã trở dậy làm bánh bao, đậu phụ đem đi bán. Có những đêm bánh bao ế, ông nhọc nhằn trở về trong đêm khuya. Những hôm nắng như đổ lửa, ông lại lo đạp xe đi thu mua giấy, thu mua phế liệu. Hôm nào về được sớm, ông lại dạy các cháu học may, nuôi lợn để có thêm đồng ra đồng vào.
Tháng 10-1999, được tin xí nghiệp gốm ở xã Lưu Sơn, Đô Lương giải thể, ông xin được tiếp quản để có chỗ ở cho các con mình. Thấy được ý nghĩa từ những việc làm của ông, huyện Đô Lương đã cho phép ông được tiếp quản chỗ ở mới. Trước đống đổ nát, hoang tàn của lò gốm, ông và các con lại nhìn nhau với ánh mắt đầy lo âu. Ông đã nén lòng bán đi chiếc xe máy là tài sản kiếm tiền duy nhất, và chiếc nhẫn làm vật kỷ niệm của mẹ. Từ số tiền ít ỏi bán xe và nhẫn, ông cùng các con đã từng bước gây dựng lại căn nhà tình thương từ đống đổ nát. Để có thêm vốn xây dựng trung tâm, ông mở hiệu may, xưởng mộc, làm thầu xây dựng. Cũng may trời thương, công việc làm ăn của ông thuận lợi, có được số vốn kha khá, ông từng bước xây dựng được ngôi nhà cho ông và các con ở. Những đứa trẻ thấy được sự vất vả của ông, chúng thường xuyên giúp đỡ ông những công việc nhẹ, rồi đứa bóp tay, bóp chân, đứa ôm vai bá cổ hỏi thăm ông sau những ngày làm việc mệt mỏi. Cũng từ sự chăm sóc ân cần, nhẹ nhàng và chu đáo đó của ông, chúng quen gọi ông là bố lúc nào không hay. Hàng ngày, ngoài việc dạy may, ông vẫn làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi các con. Để các con có ngôi nhà ổn định, ông đã đến gõ cửa các phòng, ban ngành của xã, của huyện, của tỉnh để được xin vào nhà nước. Vào ngày 10-6-1998, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An được thành lập với hành lang pháp lý đầu tiên ra đời, ông được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm. Tuy vậy, sau khi nhà nước có chế độ lương cho các thầy cô giáo, ông vẫn không biết đến hệ số lương của mình là bao nhiêu, bởi những đồng tiền lương ít ỏi ấy, ông dùng để mua quần áo, sữa và đồ dùng học tập cho các con mình. Từ đó trở đi, hễ nghe tin có cháu nào bị bỏ rơi, ông đều tự mình lặn lội đến xin làm thủ tục và nuôi các cháu. Có nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, ông tự đón về đi khai sinh cho nó, đặt tên cho nó. Có những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo, ông lại đưa chúng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị. Với những sự nỗ lực đó, tháng 5-2005, Trung tâm vinh dự đón đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư về thăm. Ngày 18-6-2012, Trung tâm được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Được sự tin tưởng của UBND tỉnh cũng như của nhân dân, Trung tâm được bàn giao nhà an dưỡng tỉnh ủy cũ để làm cơ sở 2 tại thành phố Vinh. Được nhà nước đỡ đầu, ông như được chắp thêm động lực để làm từ thiện. Trung bình mỗi năm, trung tâm của ông đào tạo được hơn 1.000 lao động các nghề: Đào tạo cắt may, tin học, gò hàn… Trong đó, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được miễn học phí hoàn toàn.
Để tiết kiệm tiền cho các con, ông đều tự tay mua vật liệu về xây dựng khuôn viên. Từ sự chu đáo của ông, đến nay, hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc và có việc làm ổn định. Chị Nguyễn Thị Hằng – một người đã từng được ông Thực cưu mang, chăm sóc, nay đã có việc làm ổn định chia sẻ: “ Bố đã nuôi dưỡng chúng tôi ngay từ những ngày còn nhỏ, bố thương chúng tôi lắm, lúc nào cũng hỏi thăm chúng tôi ăn có no không, chơi có vui không. Đến khi tôi lớn lên đi làm rồi mà bố vẫn hỏi thăm luôn. Thực sự tôi xem bố như bố đẻ, rất biết ơn và thương bố rất nhiều”.
Trong cuốn sổ lưu bút của ông Thực, Ông Joel Peterscotti - Cựu chiến binh Mỹ tái thiết Việt Nam (EMW) và Tổ chức Đông Tây hội ngộ (VVRP) đến thăm Trung tâm và cảm động trước những việc làm của ông Lê Trung Thực, Joel Peterscotti đã chia sẻ: "Tôi cảm động sâu sắc về sự chu toàn của anh đối với các cháu. Tôi thực sự thấy xấu hổ với bản thân mình. Anh dành cả cuộc đời mình để chăm sóc, nuôi nấng những đứa trẻ bất hạnh, còn tôi lại “nướng” tuổi thanh xuân của mình vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cảm ơn anh đã mời tôi đến thăm trung tâm để tôi thấy rằng cuộc đời này còn rất nhiều điều tốt đẹp...”
Ông Lê Trung Thực – người mặc áo trắng đang trò chuyện với những đứa trẻ ở trung tâm. Giờ đây, trung tâm đang nuôi dưỡng chăm sóc hơn 60 cháu tật nguyền, bị rơi rớt, không nơi nương tựa và nhiều người già neo đơn. Ngoài ra, vào những ngày lễ, Tết, các ngày trọng đại của đất nước, ông đều dành bớt chi tiêu của mình để thăm và tặng quà các gia đình chính sách.
Ngày hôm nay, tại trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An, nhiều đứa trẻ tật nguyền, mồ côi, lang thang cơ nhỡ được các thầy cô chăm sóc cẩn thận, được ông Thực bao bọc chở che. Các em được vui chơi, học hành như biết bao đứa trẻ bình thường khác. Nhiều em đã lớn lên có công ăn việc làm ổn định, người thì đã lập gia đình. Hàng chục năm qua, các con của ông thực mỗi ngày lớn lên và trưởng thành, còn ông tóc đã bạc đi ít nhiều. Thế nhưng, từ những sự trưởng thành ấy của các con, ông luôn mỉm cười và dõi theo chúng. Ai cũng bảo ông lo cho chúng ít thôi, đến khi lập gia đình là được rồi, rồi người thì khuyên ông lấy vợ để hưởng thụ cuộc sống của mình. Lúc ấy ông chỉ gạt đi và cười hiền từ rồi nói: “ Đã lo cho con thì phải lo cho đến cùng, tôi còn sống, tôi còn phải lo cho chúng, cuộc đời này còn nhiều khó khăn lắm mà, tôi mà lấy vợ thì ai lo cho các con tôi?”.
Giờ đây đã hơn 50 tuổi, ông vẫn không suy nghĩ nhiều đến bản thân mình. Mỗi ngày ông đều ăn chay, niệm phật để cầu cho thế giới yên bình, để cho tâm được thanh tĩnh, để cho các con mình sống vui, sống khoẻ. Rồi những công việc đáng để thuê thợ làm như xây tường bao, hàng rào, xây dựng khuôn viên, ông đều tự tay làm cùng với các thầy cô trong trung tâm. Ông bảo, còn sức còn làm, những đồng tiền ấy nên tiết kiệm để mua thêm quần áo, mua thêm thức ăn cho các con. Cũng ngần ấy năm, nhiều bằng khen, giấy khen từ huyện, tỉnh, trung ương được ông cất giữ cẩn thận và lưu lại ở phòng truyền thống. Bởi đó là sự nỗ lực trong suốt cả quãng đời ông. Đó cũng là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu, xây dựng bằng cả tình thương và trách nhiệm để cưu mang, giúp đỡ, nuôi dưỡng những mảnh đời éo le, hòa nhập cuộc sống. Và cũng không thể có một tấm bằng khen nào xứng đáng bằng sự hi sinh và tấm lòng cao quý của ông - vị giám đốc chẳng bao giờ biết đến lương của mình.
0 comments: